Mục tiêu điều trị suy tim là làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa nhập viện và kéo dài đời sống.
Điều trị suy tim chia ra 4 mức độ theo giai đoạn A, B, C và D của suy tim.
Điều trị suy tim bao gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị bằng thuốc.
Điều trị không thuốc hay thay đổi lối sống là cơ bản trong mọi giai đoạn của suy tim, bao gồm:
- Hướng dẫn BN có thể tự chăm sóc, hiểu biết về bệnh tật, triệu chứng bệnh bắt đầu nặng hơn.
- Hiểu biết về điều trị, tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Thay đổi lối sống: giảm cân, ngừng hút thuốc, không uống rượu, giảm mặn (giảm Natri), tập thể dục, hạn chế nước (suy tim nặng).
1. Điều trị suy tim giai đoạn A
Điều trị các bệnh lý nội khoa hoặc lối sống có nguy cơ cao dẫn đến suy tim bao gồm:
- Bệnh THA.
- RLLM.
- ĐTĐ.
- Rối loạn nhịp nhanh.
- Bệnh lý tuyến giáp: suy giáp hoặc cường giáp.
- Nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện ma tuý.
Chỉ định điều trị suy tim giai đoạn A
Chỉ định nhóm I:
- Các BN có nguy cơ cao suy tim (THA, RLLM, ĐTĐ) cần được điều trị theo đúng các mục tiêu của khuyến cáo liên quan.
- BN có nguy cơ cao suy tim cần được khuyên tránh các chất làm tăng suy tim: thuốc lá, uống rượu với số lượng nhiều, ma tuý.
- Kiểm soát nhịp thất hoặc phục hồi nhịp xoang trên BN có nhịp nhanh trên thất.
- Điều trị bệnh lý tuyến giáp theo đúng khuyến cáo.
- Bác sĩ cần chỉ định các thăm dò cận lâm sàng không xâm nhập (VD: đo EF bằng siêu âm tim) trên BN có tiền sử gia đình bị bệnh cơ tim hoặc trên người sử dụng dược chất độc cho tim.
Chỉ định nhóm IIa:
- ƯCMC có thể hữu ích phòng ngừa suy tim trên BN có tiền sử bệnh do xơ vữa động mạch hoặc ĐTĐ hoặc THA có kèm yếu tố nguy cơ tim mạch.
- CTTA có thể hiệu quả tương tự ƯCMC dù mức bằng chứng kém hơn.